TẠC TƯỢNG PHẬT

BẢO TÀNG ĐIÊU KHẮC CHĂM ĐÀ NẴNG

Ngày đăng: 01/12/2020 Lượt xem: 163

Bảo tàng điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng lớn nhất cả nước về loại hình này, nơi chuyên sưu tập, bảo tồn, trưng bày các hiện vật quý hiếm về nghệ thuật điêu khắc Chăm, được tìm thấy ở các tháp, thành lũy Chăm thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Đây là điểm tham quan rất giá trị của du lịch Đà Nẵng.

Lịch sử Bảo tàng điêu khắc Chăm

Việc thu thập tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX, được thực hiện bởi những người Pháp yêu khảo cổ học, đặc biệt là những người làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và những đồng nghiệp Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX, một số hiện vật điêu khắc Chăm đã được chuyển đi Pháp, một số khác được chuyển ra Bảo tàng tại Hà Nội và Bảo tàng tại Sài Gòn, nhưng phần lớn những tác phẩm tiêu biểu vẫn còn để lại Đà Nẵng.

Ý tưởng về xây dựng bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng đã manh nha từ năm 1902 với một đề án của Khoa Khảo cổ Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, và tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng điêu khắc Chăm được chính thức hoàn thành 17 năm sau đó (1919) theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair. Quá trình xây dựng đề án và vận động thực hiện có sự đóng góp lớn của Henri Parmentier, chuyên gia khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và là một trong những người đầu tiên tham gia sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa Chăm. Toàn bộ tòa nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn giữ lại cho đến ngày nay dù đã qua hai lần mở rộng.

– Lần mở rộng thứ nhất được tiến hành vào những năm đầu thập kỷ 1930, hoàn thành vào năm 1936. Đó là việc xây dựng thêm 2 phòng trưng bày hai bên, thẳng góc về phía trước của bảo tàng Chăm pa Đà Nẵng cũ, nhằm đủ chỗ để trưng bày thêm những hiện vật mới được thu thập về trong những năm 1920, 1930. Theo ý tưởng của Henri Parmentier, hiện vật được phân loại để trưng bày theo nguồn gốc địa điểm nơi chúng được phát hiện hoặc khai quật. Cách bố trí không gian trưng bày gần 1000 m2 này cơ bản vẫn được duy trì cho đến nay.

– Lần mở rộng thứ hai là việc xây thêm một tòa nhà hai tầng ở phía sau bảo tàng văn hóa Chăm Đà Nẵng cũ, với diện tích sử dụng khoảng 2.000 m2 dành cho việc trưng bày và hơn 500 m2 dành làm kho, xưởng phục chế và phòng làm việc. Tại tầng 1 của khu nhà mới này hiện đang trưng bày những hiện vật trước đó còn để trong kho và một số hiện vật sưu tầm được sau năm 1975. Tầng 2 trưng bày về văn hóa Chăm đương đại bao gồm sưu tập về trang phục, nhạc cụ và hình ảnh lễ hội của đồng bào dân tộc Chăm.

Trước năm 2007, nơi đây là một bộ phận của cơ quan Bảo tàng Đà Nẵng. Ngày 02 tháng 7 năm 2007, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng có Quyết định số 5070/QĐ-UBND về việc thành lập Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng, là một đơn vị độc lập với Bảo tàng Đà Nẵng, trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng. Từ 1/1/2012, Bảo tàng điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng được xếp hạng là Bảo tàng hạng 1. Cả nước có 119 bảo tàng, trong đó chỉ có 12 bảo tàng được xếp hạng 1.

Du lịch Bảo tàng điêu khắc Chăm

Giữa lòng thành phố Đà Nẵng tấp nập, đến khám phá Bảo tàng điêu khắc Chăm Pa sẽ mang đến cho du khách những phút lắng đọng trong hành trình đi tìm bóng dáng vương triều một thời hưng thịnh. Khuôn viên bảo tàng được thiết kế theo lối kiến trúc Gothic hài hòa, điểm xuyến những khóm hoa sứ đang tỏa hương dìu dịu.

Bảo tàng điêu khắc Chăm sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có 288 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà Bảo tàng, 187 hiện vật trưng bày ngoài sân vườn và hơn 1.200 hiện vật lưu giữ trong kho. Cách bố trí trong bảo tàng chủ yếu phân theo gian phòng, tương ứng với các khu vực địa lý của hiện vật, gồm: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm, Phòng trưng bày mở rộng và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị…

– Phòng Trà Kiệu: Theo sử liệu ghi lại, Trà Kiệu thuộc tỉnh Quảng Nam, là kinh đô đầu tiên và cổ nhất của Chămpa, được xây dựng vào cuối thế kỉ IV dưới triều vua Bhadresvara với tên gọi Sinhapura, nghĩa là Thành phố Sư Tử. Hiện có 43 tác phẩm, niên đại thế kỷ VII-VIII và XI-XII đang trưng bày tại phòng Trà Kiệu của Bảo tàng điêu khắc Chăm. Nổi bật như: Đài thờ Linga-Yoni, Đài thờ Trà Kiệu, Phù điêu Vishnu, Đài thờ Vũ nữ Trà Kiệu, Thần hộ pháp (Siva).

– Phòng Mỹ Sơn: Thuộc tỉnh Quảng Nam, thung lũng Mỹ Sơn từng là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của vương quốc Chămpa, tại đây có hơn 70 ngôi tháp, phần lớn được xây dựng để thờ thần Siva. Trong phòng Mỹ Sơn của Bảo tàng điêu khắc Chăm hiện đang trưng bày 18 hiện vật, gồm 3 nhóm: nhóm hiện vật trong các tháp chính, nhóm hiện vật ở các tháp phụ và nhóm các hiện vật trang trí trên trán cửa hoặc trên tường tháp nói chung.

– Phòng Đồng Dương: Cũng thuộc tỉnh Quảng Nam, Đồng Dương không chỉ đánh dấu sự ra đời một triều đại mới cho vương quốc Chămpa mà còn đánh dấu sự thay đổi trong tín ngưỡng từ việc tôn thờ thần Siva sang thờ các vị Phật và Bồ tát. Tại phòng Đồng Dương của Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chămpa hiện đang trưng bày pho tượng Bồ tát Tara, cao 114 cm, đường nét chạm khắc tinh tế, một trong số nhiều hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm.

– Phòng Tháp Mẫm: Bình Định ngày nay còn khá nhiều di tích Chăm, tiêu biểu là hệ thống đền tháp đồ sộ được xây dựng liên tục trong thời gian từ thế kỉ XI đến XV khi trung tâm chính trị của Chămpa đặt tại đây. Hiện phòng Tháp Mẫm của Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày 67 hiện vật, niên đại từ thế kỉ XII-XV. Nổi bật như: Thần Brahma, Voi-sư tử Gajasimha, Thần Siva, Thủy quái Makara, Rồng, Chim thần Garuda, Đài thờ.

– Phòng trưng bày mở rộng: Được chính thức khai trương từ ngày 28/4/2004, phòng trưng bày mở rộng của Bảo tàng điêu khắc Chăm có gần 150 tác phẩm thuộc nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, chủ yếu được sưu tầm sau 1975, nổi bật như: Nữ thần An Mỹ, Tượng khỉ Hanuman, Voi, Trang trí kiến trúc, Bò thần Nandin, Bia.

– Hành lang Quảng Nam: Đang trưng bày 32 hiện vật, niên đại thế kỷ VII-VIII và IX-X, được khai quật từ nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam. Nổi bật như: Siva múa, Thần hộ pháp, Phù điêu Krishna, Phù điêu Yaksa.

– Hành lang Quảng Ngãi: Trưng bày 14 hiện vật niên đại từ cuối thế kỷ X đến giữa XI, hầu hết được khai quật từ Chánh Lộ và một số địa danh khác ở tỉnh Quảng Ngãi. Nổi bật như: Tượng Uma, Phù điêu Sarasvati, Tượng Laksmi.

– Hành lang Quảng Trị: Hiện trưng bày 14 tác phẩm, hầu hết có niên đại thế kỷ VII-VIII, được khai quật từ các địa danh ở tỉnh Quảng Trị như Nam Giáp, Hà Trung, Thạch An, Đa Nghi và đưa về Bảo tàng điêu khắc Chăm từ những năm 1918 và 1935. Các hiện vật nổi bật như: Cưỡi ngựa đánh cầu, Phần đài thờ, Trụ cửa.

Đến tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng, du khách sẽ thấy phần lớn tác phẩm là những nguyên bản trên 3 chất liệu chính là sa thạch, đất nung và đồng, nhiều nhất là sa thạch, có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, rất đa dạng về phong cách nghệ thuật, hình khối, chạm khắc. Nổi bật là những tác phẩm khắc họa thần Siva, Brahma, đài thờ Mỹ Sơn tinh xảo đến từng chi tiết, thể hiện sức sáng tạo tài hoa của nghệ nhân xưa. Cùng các tác phẩm điêu khắc linh vật hay cảnh sinh hoạt đời thường được chạm khắc công phu.

Dường như mỗi tác phẩm điêu khắc đều mang trong mình một câu chuyện, một số phận lênh đênh chìm nổi như vương triều đã sản sinh ra nó. Bao thế kỷ trôi qua, vật đổi sao dời, các chứng tích vẫn kiêu hãnh tồn tại cùng thời gian.


Các bài viết khác
TƯỢNG PHẬT 600 TUỔI HIỆN RA KHI RÚT NƯỚC HỒ THỦY ĐIỆN Ở TRUNG QUỐC
01 Dec

TƯỢNG PHẬT 600 TUỔI HIỆN RA KHI RÚT NƯỚC HỒ THỦY ĐIỆN Ở TRUNG QUỐC

Trong khi rút nước hồ thủy điện để sửa chữa, người ta đã phát hiện phần đỉnh đầu của một bức tượng Phật 600...
‘NHÉT TIỀN VÀO TAY PHẬT LÀ PHỈ BÁNG, HỐI LỘ THÁNH THẦN’
01 Dec

‘NHÉT TIỀN VÀO TAY PHẬT LÀ PHỈ BÁNG, HỐI LỘ THÁNH THẦN’

“Đến chùa, nhét tiền vào tay tượng Phật là sự phỉ báng, hối lộ thánh thần. Phật tại tâm, chỉ cần nhất vái là đủ,...
BÍ ẨN PHO TƯỢNG ĐÁ QUÝ MÀU ĐEN TRONG NGÔI CHÙA CỔ Ở ĐỒNG NAI
01 Dec

BÍ ẨN PHO TƯỢNG ĐÁ QUÝ MÀU ĐEN TRONG NGÔI CHÙA CỔ Ở ĐỒNG NAI

Phía sau bức tượng là hình chiếc lá bồ đề có những đoạn văn khắc chữ Phạn xen lẫn một vài chữ Chăm cổ.
TÌM THẤY TỜ TIỀN 700 NĂM TUỔI TRONG BỨC TƯỢNG LA HÁN BẰNG GỖ
01 Dec

TÌM THẤY TỜ TIỀN 700 NĂM TUỔI TRONG BỨC TƯỢNG LA HÁN BẰNG GỖ

Các chuyên gia cổ vật cho biết đây là lần đầu tiên họ tìm thấy tiền giấy có niên đại hơn 700 năm, trong một bức tượng...
TƯỢNG PHẬT PHÁT QUANG VÀ NHỮNG ĐIỀU HUYỀN BÍ Ở NGÔI CHÙA LINH THIÊNG
01 Dec

TƯỢNG PHẬT PHÁT QUANG VÀ NHỮNG ĐIỀU HUYỀN BÍ Ở NGÔI CHÙA LINH THIÊNG

Chùa Linh Ứng ngự trên bãi Bụt thuộc bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) không đơn thuần chỉ là nơi tụ hội, thờ phụng của...
TƯỢNG PHẬT NGỌC LỚN NHẤT THẾ GIỚI ĐẾN BÌNH DƯƠNG
01 Dec

TƯỢNG PHẬT NGỌC LỚN NHẤT THẾ GIỚI ĐẾN BÌNH DƯƠNG

Sáng 18/11, tại chùa Hội An, TP Mới Bình Dương, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ cung nghinh...
CHIÊM NGƯỠNG BỨC TƯỢNG GỖ LỚN NHẤT VIỆT NAM
01 Dec

CHIÊM NGƯỠNG BỨC TƯỢNG GỖ LỚN NHẤT VIỆT NAM

Bức tượng Phật Bồ Đề Đạt Ma tạc từ gỗ nu nghiến nguyên khối với chiều cao 3,8m, nặng hơn 3 tấn được xem là bức...
  Đăng ký nhận bản tin
Gửi tin nhắn
Gọi cho chúng tôi
Chat qua facebook
Chat qua zalo
Văn phòng
Hotline tư vấn: 0878811333